Các chương trình về robot đã cho thấy một sự thay đổi lớn đối với truyền hình thực tế tại Trung Quốc, bùng nổ trong bối cảnh nước này đang thực hiện tham vọng dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực AI.
Gần hai thập kỷ trước, Wang Xi - lúc đó là một cậu nhóc tuổi teen sống gần thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc - cực kỳ yêu thích show truyền hình robot chiến đấu của Mỹ BattleBots. Đó là TV show được xem nhiều nhất tại Mỹ thời điểm đó, với đỉnh điểm là 1,5 triệu người xem mỗi tập, và đã trở thành một hiện tượng trên toàn thế giới, bao gồm cả Trung Quốc.
Wang tự nhủ rằng một ngày nào đó, anh sẽ chế tạo một con robot của chính mình và mang nó đến chiến đấu tại một TV show như vậy. Năm nay, giấc mơ của Wang đã thành hiện thực khi Trung Quốc giới thiệu TV show robot chiến đấu đầu tiên của họ - King of Bots - vào tháng 1 vừa qua. Đây là một trong nhiều TV show về robot chiến đấu sẽ xuất hiện tại nước này trong năm 2018, sau khi Trung Quốc đã tổ chức thành công nhiều giải đấu robot offline trong vòng vài năm qua.
Robot của Wang - Greedy Snake - chiến đấu với các robot được chế tạo bởi nhiều nhóm khác tại Trung Quốc, Anh và Mỹ. TV show này được phát sóng trên kênh truyền hình có lượng người xem rất lớn là Zhejiang và nhanh chóng trở nên phổ biến. Tập được phát sóng vào hôm 26/2 vừa qua đã leo lên vị trí thứ 2 trong số các show giải trí ở 52 quốc gia khác nhau vào thời điểm đó, chỉ đứng sau show đố vui trí tuệ của Trung Quốc.
Wang - vốn là một nhà phát triển game - hiện là tư vấn viên kỹ thuật của chương trình, cho biết TV show này được lấy cảm hứng từ sự hồi sinh của BattleBots hồi năm 2015. Nhưng một nguyên nhân khác khiến nó nhanh chóng trở nên phổ biến là bởi trong vài năm trở lại đây, Trung Quốc đã luôn khẳng định mình là một quốc gia đi đầu trong công nghệ và cải tiến.
Cũng như Việt Nam, các show truyền hình thực tế phổ biến của Trung Quốc thường bị thống trị bởi các cuộc thi ca hát và nhảy múa. Năm 2017, một trong những show thực tế phổ biến nhất Trung Quốc - The Rap of China - đã thu hút hơn 2,7 tỷ lượt xem trong một mùa, với hàng chục thí sinh trẻ tuổi được đưa lên hàng ngôi sao; trong khi một show truyền hình phổ biến khác thì tập trung vào việc ngâm các bài thơ cổ của Trung Quốc. Các chương trình về robot đã cho thấy một sự thay đổi lớn đối với truyền hình thực tế tại Trung Quốc, bùng nổ trong bối cảnh nước này đang tích cực cải thiện tiềm lực công nghệ, thực hiện tham vọng dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực AI vào năm 2030, đồng thời đầu tư ngày càng nhiều vào tự động hoá các dây chuyền robot công nghiệp. Năm ngoái, một TV show về con người đối đầu với AI trên nhiều lĩnh vực - như nhận diện khuôn mặt chẳng hạn - cũng đã được ra mắt hồi tháng 8.
King of Bots đã đi đến hồi kết vào thứ Hai ngày 5/3 vừa qua, nhưng cuối tháng này, iQiyi, một dịch vụ stream lớn chống lưng bởi gã khổng lồ tìm kiếm Trung Quốc là Baidu, đang dự định sẽ phát sóng một show tương tự với tên gọi là Clash Bots vào ngày 23/3. Youku, một nền tảng game trực tuyến chống lưng bởi Alibaba, cũng dự định tung ra show This is Bots vào cuối năm nay, dù ngày ra mắt vẫn là một ẩn số.
Trong show King of Bots, các đấu thủ sẽ sử dụng những con robot (gọi là bot) điều khiển từ xa chiến đấu với nhau trong một khoang chứa được làm bằng kính chống đạn. Một hiệp đấu sẽ kéo dài 3 phút, và trong thời gian đó, mỗi đội phải tìm cách khiến bot của đối phương tê liệt để giành chiến thắng. Các đấu thủ còn cần phải điều khiển bot của mình né các cạm bẫy trên sân đấu, bao gồm đinh trên tường, lửa phụt lên từ mặt đất, các lưỡi dao răng cưa, và các mặt phẳng xoay lật.
Các đội thi đấu, bao gồm cả các đội từ Anh, Mỹ và Úc, sẽ nhận được một khoản hỗ trợ tài chính hậu hĩnh từ các nhà điều hành show. Trong trường hợp của Wang, anh đã nhận được khoảng 32.000 USD để chế tạo con bot - một cỗ máy hình xe tăng nặng 110kg (hình dưới, bên trái) có khả năng nâng đối thủ lên và ném chúng xuống. Nhóm của Wang còn có sự góp mặt của vợ anh, và họ đã dành đến 6 tháng để thiết kế nên con bot.
Có tổng cộng khoảng 48 đội tham gia show truyền hình này. Wang cho biết các đội nước ngoài có nhiều kinh nghiệm hơn trong chiến thuật thi đấu và thiết kế bot bởi các quốc gia như Anh và Mỹ đã có các giải đấu như thế này rất lâu trước Trung Quốc. Con bot của Wang đã thua trong một trận đấu để lọt top 8 với một đội Trung Quốc khác.
Thế nhưng, theo anh thì show truyền hình này đã mang lại một nền tảng cho những người có đam mê với chế tạo robot, cũng như tạo ra một cách thức để đánh giá cấp độ kỹ năng của họ.
Trước TV show, hầu hết các đội chỉ thi đấu offline - Wang cho biết. Anh này cũng chính là người đã lập nên Hiệp hội robot chiến đấu lớn nhất Trung Quốc vào năm 2015. Hiện hiệp hội này có hơn 1.000 thành viên. Wang ước tính có khoảng 300 người có đủ năng lực để chế tạo các robot có khả năng chiến đấu.
Một trong số họ là Yue Tan - một kỹ sư điện tử ở phía Nam tỉnh Quảng Đông, người hiện đang chế tạo một con bot nặng 13,6kg với hi vọng có thể mang nó đến giải đấu offline được tổ chức bởi nhà đồng sản xuất của show King of Bots - công ty video The Makers trụ sở tại Thượng Hải, vào tháng 5 tới đây.
Nhiều người khác cũng tin rằng các TV show như đã nói ở trên có thể góp phần khuyến khích sáng tạo. Chen Wei, nhà sản xuất của show Clash Bots sắp tới đây, dự báo rằng show này sẽ thổi một làn gió mới, mang nhiệt huyết của những người trẻ tuổi đến với ngành công nghiệp sản xuất và công nghệ của Trung Quốc.
Các nhà sản xuất robot Trung Quốc có thể sẽ còn một chặng đường dài phía trước. Trong show King of Bots, dù hai đội Trung Quốc đã lọt vào vòng tứ kết, nhưng người chiến thằng lại là một đội đến từ Anh, với phần thưởng lên đến 79.000 USD
Bình Luận:
0 bình luận: