Ngay khi sắp kết thức năm 2019, NASA vừa hé lộ robot thăm dò mới cho sứ mệnh sao Hỏa sẽ được thực hiện ngay trong năm 2020.Robot mới này sẽ có 2 sứ mệnh : tìm kiếm sự sống trên sao Hỏa, đồng thời dọn đường cho 1 sự sống mới (con người) trên Hỏa tinh
Con robot được lắp đặt tại Phòng thí nghiệm Tên lửa Đẩy đặt tại Pasadena, gần Los Angeles. Cũng tại đây, nó vượt qua bài lái thử đầu tiên hồi tuần vừa rồi. Dự kiến, robot thăm dò sẽ bắt đầu chuyến hành trình của mình trong khoảng thời gian từ 17 tháng Bảy cho tới 5 tháng Tám năm 2020, từ bệ phóng đặt tại Mũi Canaveral.
“Nó được thiết kế để tìm kiếm dấu hiệu của sự sống, vậy nên chúng tôi gắn thêm cho robot một loạt công cụ khác nhau, cho phép chúng tôi nghiên cứu các yếu tố địa chất và hóa học trên bề mặt Sao Hỏa,” người lãnh trách nhiệm chỉ đạo sứ mệnh mới, Matt Wallace nói với báo giới.
Tàu thăm dò Sao Hỏa 2020 vượt bài lái thử.
Trên con robot thăm dò là 23 camera, 2 “tai” cho phép nó nghe được gió Sao Hỏa, hệ thống laser dùng để phân tích thành phần hóa học có trong đất. Robot thăm dò có sáu bánh - tương đương với “người’ tiền nhiệm Curiosity của nó. Trên robot là hai cánh tay dài 2 mét, được gắn khoan để xẻ đá lấy mẫu phân tích.
Nó không lên Sao Hỏa để chạy đua với ai, nên các nhà khoa học không chú trọng nâng cấp tốc độ cho con robot. Một ngày sao Hỏa (gần tương đương với một ngày Trái Đất), nó sẽ chỉ di chuyển khoảng 180 mét.
Toàn bộ hệ thống được vận hành bằng lò phản ứng hạt nhân thu nhỏ.
Nhiệm vụ #1: Sự sống cổ đại
“Chúng tôi sẽ tìm kiếm dấu vết của vi khuẩn cổ đại - chúng ta đang nói về một thế giới đã có tuổi họ hàng tỷ năm, một hành tinh đã từng rất giống Trái Đất,” ông Wallace nói. Thời xưa, Sao Hỏa có nước ngay trên bề mặt và rất ấm, ngoài ra Sao Hỏa còn sở hữu khí quyển dày và một lớp từ trường bao quanh hành tinh. “Những yếu tố đó thậm chí còn có lợi cho sự sống đơn bào hơn cả điều kiện trên Trái Đất thời xưa.”Các mẫu nghiên cứu sẽ được khóa kín trong các ống nghiệm và thả trên bề mặt Sao Hỏa, nó sẽ nằm tại đó cho tới khi các nhà khoa học có điều kiện mang chúng về Trái Đất để nghiên cứu.
“Chúng tôi mong sẽ sớm tiếp tục chuỗi sứ mệnh này. Dự kiến lần bay tiếp theo sẽ là năm 2026, khi đó chúng tôi sẽ lên Sao Hỏa, đưa mẫu thí nghiệm vào tên lửa và phóng lên quỹ đạo Sao Hỏa,” ông Wallace nói. “Từ trên quỹ đạo, mẫu vật sẽ gặp một tàu quỹ đạo và sẽ quá giang về Trái Đất.”
Theo lời ông, mẫu vật thu được trong sứ mệnh Sao Hỏa 2020 sẽ “về Trái Đất trong vòng một thập kỷ”.
Nhiệm vụ #2: Dọn đường cho con người lên thăm Hành tinh Đỏ
Để tối đa hóa cơ hội tìm được dấu vết sự sống cổ đại, con robot thăm dò sẽ đáp xuống vùng châu thổ Jezero, một vùng đất một thời phì nhiêu đã khô cạn từ lâu. Các nhà khoa học đã tranh luận rất nhiều để có thể chốt được địa điểm đáp; sau nhiều lời ra tiếng vào, họ đã chọn một lòng hồ cổ đại sâu 450 mét.
Khoảng 3,5 cho tới 3,9 tỷ năm trước, hồ nước này đã liên kết với một hệ thống sông ngòi lớn từng chảy trên Sao Hỏa. Toàn bộ khu vực hố sâu này rộng 48 kilomet, và các nhà khoa học mong rằng robot thăm dò sẽ tìm được dấu vết của phân tử hữu cơ cổ đại.
Thế nhưng nhiệm vụ này không phải lý do duy nhất NASA phóng tàu thăm dò lên Hành tinh Đỏ: họ mong muốn đây sẽ là bước đệm cho các sứ mệnh đưa người lên Sao Hỏa sau này.
“Bạn có thể coi đây là sứ mệnh tiền đề cho việc đưa người đầu tiên lên Sao Hỏa,” ông Wallace nói. Thiết bị trên tàu “cho phép chúng tôi tạo oxy” để cho người sử dụng, cũng còn có thể cung cấp nhiên liệu “cho chuyến quay trở về Trái Đất”. Con tàu thăm dò sẽ hoạt động trên Sao Hỏa ít nhất một năm Sao Hỏa - tương đương với 2 năm Trái Đất, thế nhưng ta có thể trông đợi nhiều hơn thế: Curiosity đáp xuống năm 2012 và đến giờ vẫn còn hoạt động; trước đó, tàu Opportunity dự kiến sẽ chỉ vận hành trong 3 tháng nhưng đã cần mẫn nghiên cứu suốt 14 năm, NASA cũng mới khai tử Opportunity hồi đầu năm nay.
Hiện tại, tàu thăm dò này chưa có tên nhưng hiện NASA đã tập hợp được một danh sách tên sẽ đặt rồi, bạn có thể tham gia bình chọn tên vào giữa tháng Một tới.
Tham khảo ScienceAlert
Bình Luận:
0 bình luận: