Không cần con người điều khiển từng cái một, hàng trăm chiếc drone này sẽ hoạt động như một thể thống nhất. Cuộc không kích quy mô lớn bằng drone của phiến quân Syria vào các căn cứ quân sự Nga cách đây không lâu đã gióng lên hồi chuông cảnh báo từ những thiết bị nhỏ bé. Dù thất bại, hơn một nửa trong số này bị chiếm quyền kiểm soát, cuộc tấn công đã cho thấy sự nguy hiểm nếu chiến thuật bầy đàn drone tiếp tục được phát triển bởi các quốc gia tiên tiến.
Sáu tháng trước đó, một thử nghiệm khác huy động hơn 120 drone của Tập đoàn Công nghệ điện tử Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước, với mức độ phức tạp hơn. Các drone sẽ cùng hoạt động như một bầy đàn thống nhất trước khi tách riêng thành các nhóm nhỏ, tự liên lạc và điều chỉnh trong suốt quá trình hoạt động. Các hình ảnh trên thực tế cho thấy những drone này bay rất lộn xộn, không có quỹ đạo cố định. Tuy nhiên, những gì vẽ được trên máy tính và thu được sau các cuộc thí nghiệm cho thấy chúng đã hoàn thành nhiệm vụ một cách tuyệt đối.
Một mô phỏng của NUDT về ứng dụng của chiến thuật bầy đàn drone cho thấy chúng có thể làm nhiệm vụ chỉ điểm cho các vũ khí tấn công chính xác, thậm chí bản thân chúng có thể tấn công mục tiêu ngay cả khi đó là một hệ thống phòng không. Câu hỏi đặt ra là tại sao phải sử dụng chiến thuật bầy đàn mà không phải chỉ một là đủ? Có nhiều lý do, nhưng trội nhất là giá thành rẻ lại đem về hiệu quả cao. Nhưng quan trọng hơn cả là khó đánh chặn.
"Khi đã được liên kết thành một thể thống nhất, hoàn toàn tự động trong suốt quá trình hoạt động, những bầy đàn drone kiểu này sau khi được nạp dữ liệu về địa điểm của mục tiêu với độ chính xác tính bằng mét sẽ trở thành đối thủ cực kỳ khó đối phó của các hệ thống phòng không tầm gần" - cây bút Tyler Rogoway của trang The Drive cảnh báo.
Những bóng ma
Trung Quốc không muốn áp dụng chiến thuật bầy đàn drone kiểu cảm tử như thời máy bay Nhật trước đây. Các nhà khoa học quân sự của Bắc Kinh muốn chúng hoạt động như những "bóng ma" của bầu trời bằng trí tuệ nhân tạo (AI). Quốc gia này không giấu giếm tham vọng trở thành cường quốc hàng đầu về AI trong vài thập kỷ tới.
Chiến thuật bầy đàn drone tương lai sẽ không dừng lại nhiệm vụ giám sát hay cảnh giới đơn giản. Bắc Kinh đang nghiên cứu cách biến chúng trở thành những thực thể có đủ năng lực tấn công và áp chế điện tử, gây hoang mang cho các binh sĩ mặt đất. Drone sẽ không còn là bia tập bắn, chúng sẽ có khả năng tự trao đổi với nhau ngay cả khi một hay nhiều chiếc trong đàn đã bị bắn hạ.
Thử tưởng tượng một ngày nào đó tiêm kích F-22, niềm tự hào của nước Mỹ, bị bắn hạ bằng những chiếc drone nhỏ bé này. Đó sẽ là cơn ác mộng
Tyler Rogoway (cây bút chuyên gia của trang The Drive)
Cây bút Tyler Rogoway hình dung kịch bản không xa các máy bay chiến đấu thực thụ sẽ như "mãnh hổ nan địch quần hồ" trước bầy drone bu như bầy ong. Các drone phóng từ mặt đất có thể không bắt kịp tốc độ của F-22, nhưng nếu chúng được triển khai từ một máy bay mẹ đang trên bầu trời, với số lượng hàng trăm chiếc, cơn ác mộng sẽ đến gần.
Dĩ nhiên, F-22 có thể bắn hạ chúng bằng tên lửa AIM-120D AMRAAM trị giá 1,8 triệu USD. Nhưng so với cái giá chỉ vài ngàn USD của một chiếc drone và việc mỗi quả tên lửa chỉ có thể hạ được một mục tiêu trong khi có đến hàng chục chiếc drone, đó là bài toán không dễ giải, cả về chiến thuật và kinh tế.
Bình Luận:
0 bình luận: