Bạn đã từng nghe qua cái tên Skynet, một cái tên đã gắn liền với bất cứ bộ phim hành động khoa học viễn tưởng nào về chủ đề vũ khí chiến tranh, robot, kẻ hủy diệt. Skynet được định nghĩa là một hệ thống tự vận hành độc lập, có suy nghĩ và điều khiển toàn bộ hệ thống tiện nghi, quân sự của con người trong tương lai. Skynet là một trí thông minh nhân tạo do con người tạo ra và đã điều khiển đội quân robot quay lại hủy diệt chính con người khi nó nhận thấy sự đe dọa từ những người sáng lập ra nó. Đó là một kịch bản dành cho một bộ phim viễn tưởng và rất khó có thể xuất hiện ở thực tế hoặc nếu có thì ở tương lai còn rất xa. Song, chính những bộ phim đó là lời cảnh tỉnh cho việc nghiên cứu trí thông minh nhân tạo ở thế kỷ 21 này.
TRÍ THÔNG MINH NHÂN TẠO LÀ GÌ?
Trí thông minh là một khái niệm không được định nghĩa một cách rõ ràng, bởi vậy, định nghĩa trí thông minh nhân (AI) cũng rất rộng.
Theo Wikipedia đã định nghĩa: “Trí tuệ nhân tạo hay trí thông minh nhân tạo (tiếng Anh: artificial intelligence hay machine intelligence, thường được viết tắt là AI) là trí tuệ được biểu diễn bởi bất cứ một hệ thống nhân tạo nào. Thuật ngữ này thường dùng để nói đến các máy tính có mục đích không nhất định và ngành khoa học nghiên cứu về các lý thuyết và ứng dụng của trí tuệ nhân tạo.”
Trí thông minh nhân tạo là thành tựu tuyệt vời của con người. Ảnh: Internet
Thực tế, trí thông minh nhân tạo là trí thông minh của máy móc do con người tạo ra. Ngay từ khi chiếc máy tính điện tử đầu tiên ra đời, các nhà khoa học máy tính đã hướng đến phát triển hệ thống máy tính sao cho nó có khả năng thông minh như loại người. Cho dù ước mơ đó còn rất lâu mới có thể thực hiện được và tốc độ xử lý của một siêu máy tính hàng đầu vẫn còn kém xa não người thì điều đó vẫn không phải là không thể.
Tóm lại, trí thông minh nhân tạo ở đây là nói đến khả năng của máy khi thực hiện các công việc mà con người thường phải xử lý, thậm chí còn làm tốt hơn. Trí thông minh nhân tạo ở thời điểm hiện tại có khả năng học hỏi, dự đoán, tính toán trước những trường hợp có thể xảy ra và trong tương lai là cả sự tự nhận thức, tự phát triển và tự hoàn thiện.
KỲ DỊ KỸ THUẬT
Tại sao lại đề cập đến kỳ dị kỹ thuật? Vì cơ bản, điều này có liên quan đến một phần phát biểu của Nhà Vật lý Stephen Hawking trong cuộc phỏng với BBC. Ông cho rằng “Một khi sự phát triển trí tuệ nhân tạo đạt đến mức hoàn thiện, nó có thể báo hiệu sự kết thúc của nhân loại”. Vậy trí tuệ nhân tạo đạt được mức hoàn thiện khi nào, đó là khi xuất hiện kỳ dị kỹ thuật.
“Một khi sự phát triển trí tuệ nhân tạo đạt đến mức hoàn thiện, nó có thể báo hiệu sự kết thúc của nhân loại”
Kỳ dị kỹ thuật là sự xuất hiện trên ký thuyết của một siêu trí thông minh cao hơn con người thông qua các phương tiện kỹ thuật. Bởi những khả năng của một trí thông minh như vậy là vô cùng khó hiểu với một người bình thường. Sự xuất hiện của một kỳ dị kỹ thuật được coi là một chân trời sự kiện, sau thời điểm này các sự kiện sẽ không thể tiên đoán hay hiểu được. Những người đề xuất ra điểm kỳ dị thường phát biểu rằng một sự "bùng nổ trí thông minh", nơi những siêu trí thông minh thiết kế liên tiếp ra những bộ óc ngày càng mạnh, có thể diễn ra rất nhanh chóng và sẽ không dừng lại cho tới khi các khả năng nhận thức của nó vượt quá khả năng của con người.
Điều gì sẽ xảy ra khi tới "điểm kỳ dị kỹ thuật". Ảnh: Internet
Thuật ngữ này đã được tác gia về khoa học viễn tưởng Vernor Vinge quảng bá, ông cho rằng trí thông minh nhân tạo, sự nâng cao khả năng sinh học con người, hay các giao diện não-máy tính có thể là những nguyên nhân dẫn tới kỳ dị. Thuật ngữ riêng "kỳ dị" như một sự miêu tả về một hiện tượng tăng tốc kỹ thuật gây ra một kết quả không thể dự đoán trong xã hội đã được nhà toán học John von Neumann đặt ra.
Điều này có một mối liên hệ nào đó với việc chúng ta phát triển trí thông minh nhân tạo trong thời đại này. Cho dù vẫn tự tin rằng mình có thể kiểm soát được những thứ mà chính chúng ta tạo ra nhưng với tốc độ phát triển chóng mắt cùng sự hiếu thắng trong việc làm chủ công nghệ sẽ khiến con người đối mặt với điểm kỳ dị kỹ thuật.
DẤU CHẤM HẾT CHO LOÀI NGƯỜI?
Ngay bản thân Nhà vật lý nổi tiếng Stephen Hawking, người luôn phải tiếp xúc với công nhệ trí thông minh nhân tạo hàng ngày để có thể giao tiếp với người bình thường sau khi mắc căn bệnh teo xơ cứng cơ bên (ALS) cho rằng: “Một khi con người phát triển trí tuệ nhân tạo, tự nó sẽ phát triển theo con đường riêng và tự thiết kế chính nó với tốc độ ngày càng tăng”.
“Con người bị hạn chế bởi qua trình tiến hóa sinh học chậm chạp, do vậy không thẻ cạnh tranh lại được và sẽ bị đào thải”. Ông cho biết thêm.
Phải chăng chính con người đang nghiên cứu một công nghệ có thể tự hủy diệt chính mình. Nhận định đó đã ngay lập tức bị bác bỏ từ lúc AI còn rất sơ khai. Chúng ta quá quen thuộc với những câu nói như con người làm chủ công nghệ, con người có thể kiểm soát hoàn toàn trí thông minh nhân tạo… Nhưng, tại thời điểm này, con người đã bắt đầu biết lo ngại về tương lai khi máy móc ngày càng thông minh hơn.
Nhà vật lý Stephen Hawking lo ngại về trí thông minh nhân tạo. Ảnh: Internet
“Con người bị hạn chế bởi qua trình tiến hóa sinh học chậm chạp, do vậy không thẻ cạnh tranh lại được và sẽ bị đào thải”
Trong giai đoạn nhạy cảm này, cái tên mà nhiều tờ báo khoa học nhắc đến đó là Google, gã khồng lồ về tìm kiếm, cũng như là cỗ máy thông minh nhất trên Internet hiện nay đồng thời cũng là ông chủ của rất nhiều nhà máy, công ty nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo. Đặc biệt là sau phi vụ thâu tóm Boston Dynamics – Công ty chuyên chế tạo những dự án người máy liên quan đến DARPA (Cơ quan chuyên nghiên cứu những công nghệ mới dùng cho quân đội Mỹ). Google đang sẵn sàng đưa AI lên một tầm cao mới dựa trên nguồn dữ liệu khổng lồ mà họ có.
Nhà phát minh tỷ phú, Elon Musk bày tỏ mối quan ngại sâu sắc đến sự phát triển của những "trí tuệ nhân tạo". Viết trên Twitter của mình, Musk cho biết, "Chúng ta phải vô cùng cẩn thận với AI. Chúng thậm chí còn nguy hiểm hơn cả vũ khí hạt nhân. Nhưng thật không may, xét theo sự phát triển thực tế, chúng ta đang ngày càng giống vai trò như những bước đệm cho sự thống trị của siêu trí tuệ nhân tạo số tương lai".
Nhưng Google lại có ý kiến trái ngược với Elon Musk. Ray Kurzweil, chuyên gia trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và phát triển tương lai của Google, cho biết trong một buổi phỏng vấn đầu năm, "Theo quan điểm của tôi, con người sẽ không bao giờ bị vượt qua bởi các AI, bởi chính chúng ta cũng đang "tự cường" bản thân từng ngày. Mọi việc đều vẫn đang nằm trong sự kiểm soát".
Ray Kurzweil cho rằng "AI không bao giờ có thể vượt qua con người". Ảnh: Internet
Tuy nhiên, đó gần như chỉ là một lời trấn an hay chỉ là quan điểm cá nhân của một chuyên gia, nếu nhìn rộng hơn, dựa vào những giả thiết của rất nhiều nhà khoa học. Thì việc lo lắng về tương lai phụ thuộc vào trí thông minh nhận tạo là điều cần phải nhắc tới.
Cho dù trí tuệ con người chưa thể khám phá hết, song, những rào cản về sinh học sẽ khiến bộ não không thể phát triển nhanh chóng và có tần suất cao như trí tuệ thông minh. Bởi vậy, sự thua cuộc của con người trước những thiết bị mà họ tạo ra là một điểm báo trước, và giống như đã đề cập ở trên, không thể biết được điều gì xảy ra sau “điểm kỳ dị kỹ thuật”.
Bình Luận:
0 bình luận: