Có vẻ trí tuệ nhân tạo được áp dụng trên các xe thông minh đã có những tiến bộ vượt bật và thần tốc . Mới đây nhất , Ford vừa xin cấp bằng phát minh cho phát minh xe tuần tra cảnh sát có thể thực thi pháp luật trên đường nhưng không cần phải có sĩ quan cảnh sát đi kèm . Viễn ảnh bộ phim robocop đã rất gần
Ford vừa nộp đơn đăng ký lên Văn phòng Bằng sáng chế Hoa Kỳ (USPTO) xin cấp bằng phát minh cho một chiếc xe tuần tra tự điều khiển có khả năng thực thi pháp luật trên đường mà không cần sĩ quan điều khiển. Mặc dù không phải tấm bằng sáng chế nào cũng được hiện thực hóa và trở thành sản phẩm thực thụ, nhưng ít ra nó cũng cho ta thấy được cái nhìn cận cảnh hơn về ảnh hưởng của công nghệ đối với công cuộc giám sát an ninh tại Mỹ trong tương lai.
Theo trang Motor1, tài liệu này tiết lộ chiếc xe tuần tra tự động của Ford sẽ sử dụng một hệ thống thông tin vô tuyến giúp chiếc xe liên lạc với các xe khác trên đường khi phát hiện chúng chạy quá tốc độ và ra mệnh lệnh kiểm tra.
Sau đó, chiếc xe vi phạm cũng sẽ gửi lại tín hiệu phản hồi để thông báo cho “cảnh sát” biết nó đang ở chế độ tự hoạt động hay đang có tài xế cầm lái. Lúc này, xe trinh sát sẽ gửi vé phạt hoặc lệnh cảnh cáo đến chiếc xe “lái nhanh vượt ẩu kia” mà không cần phải dừng lại. Vậy là hết có chuyện xin xỏ “nốt lần này thôi anh ơi!” nữa nhé.
Nghe cứ như ý tưởng được lấy ra từ một bộ phim khoa học viễn tưởng ý nhỉ? Chưa hết đâu, Ford còn thêm cả trí tuệ nhân tạo để giúp chiếc xe “công an giao thông” này có thể học được nơi nào tốt nhất để ẩn nấp mà tài xế lái ẩu không phát hiện ra được. Nó vừa có khả năng vận hành dưới sự chỉ đạo của một sĩ quan đằng sau vô lăng, vừa có thể “tự thân vận động” để viên cảnh sát có thêm thời gian làm việc mà người máy, robot không làm thay được.
Chính đơn đăng ký này đã khơi gợi nên một câu hỏi thú vị: trong trường hợp nào thì một phương tiện tự lái sẽ vi phạm luật giao thông? Các hãng sản xuất thường tự hào khoe mẽ những chiếc ô tô của mình, cho nó là một bước đột phá lớn bởi chúng sẽ khiến việc tham gia giao thông an toàn hơn bao giờ hết.
Chúng không phóng nhanh, không đi sai làn, không nhắn tin, không uống rượu, không tạt đầu và hạn chế tối đa việc gây tai nạn giao thông. Những công ty đóng vai trò là “cha đẻ” của chúng đều đảm bảo chúng sẽ không bao giờ phá luật, vậy trên mặt lý thuyết, cần gì có cơ quan thi thành công vụ, đặc biệt là trên đường cao tốc nữa?
Đó cũng là lý do tại sao một công nghệ được đăng ký không có nghĩa là nó sẽ chắc chắn được triển khai. Đôi khi họ chỉ làm vậy để ngăn đối thủ nhanh tay “cuỗm mất” trước mình mà thôi. Chính hãng Ford cũng từ chối lên tiếng bình luận về bằng sáng chế này, còn các cơ quan hành pháp trong tương lai gần vẫn tin cậy vào sỹ quan tuần tra hơn là máy móc.
Theo Digital Trends
Bình Luận:
0 bình luận: