Những chiếc flycam có thể đã qua thời đỉnh cao, nhưng các nhà sản xuất thiết bị điều khiển không người lái nói chung (UAV) còn có tham vọng lớn hơn...
Chỉ flycam là chưa đủ
Giới trẻ toàn cầu, trong đó có Việt Nam thích thú với những thiết bị ghi hình điều khiển từ xa (flycam). Flycam chỉ là tên gọi của một nhánh của các thiết bị bay không người lái (Unmanned Aviation Vehicle - UAV), hay còn có tên khác là drone, đã gây chú ý nhờ sự tiện dụng trong việc thực hiện những công việc tưởng như rất khó khăn.
Một trong số ấy dĩ nhiên là những công dụng thường gặp ở flycam: Bay lên không để thực hiện những góc quay phim, chụp ảnh lạ mà không cần các phương tiện tốn kém như trực thăng.
Tuy nhiên, nếu là một món đồ chơi thì sớm muộn gì những chiếc flycam cũng bị đào thải, như nhận xét của nhà phân tích công nghệ tại Công ty Gartner - ông Gerald Van Hoy. Và như thế, những nhà lập trình, nhà phát triển công nghệ tất nhiên phải có những bước đi nối tiếp sự thành công ấy bằng cách tích hợp những tính năng cần thiết khác vào UAV.
Những chiếc flycam hiệu Phantom phổ biến nhất chính là sản phẩm của SZ DJI Technology - một nhà sản xuất ở Trung Quốc - được xem là tiên phong trong công nghệ UAV hiện nay. Tuy nhiên Colin Snow, nhà sáng lập Skylogic Research lại nhận xét rằng SZ DJI Technology chỉ là "ông vua" của thị trường drone dành cho giải trí (cụ thể là camera flycam) chứ không hề dẫn đầu trong việc phát triển drone như một công cụ.
Trong 9 năm ra đời tới nay, công ty Trung Quốc trên đã khiến các thiết bị flycam có giá rẻ dần khiến chúng tràn ngập thị trường, từ món đồ chơi 10 USD tới các thiết bị quay phim 100 USD. Song song đó, SZ DJI Technology đã vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt của hàng tá nhà sản xuất khác trong phân khúc này nên không thể đứng yên.
Công nghệ đỉnh cao chờ hoàn thiện
Tại một số nước, việc điều khiển drone hay UAV dẫu chưa có luật song vẫn bị đặt dưới tầm quản lý của các cơ quan hàng không, như Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) hay Cục Hàng không Dân dụng Anh (CAA). Việc các nhà chức trách gia tăng chú ý tới drone bởi sẽ không thể đảm bảo an toàn nếu như có một thiết bị drone mang bom đi khủng bố.
Điều đó nói lên rằng sự phát triển của các thiết bị bay không người lái là một phương tiện chiến tranh quan trọng. Tại Iraq và Syria là ví dụ, vì Mỹ cũng như Nga đều không sử dụng quân lính để chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS), mà dùng các cuộc không kích của tiêm kích hoặc UAV.
Bên cạnh đó, các lĩnh vực thiết thực cho đời sống từ drone có thể kể đến như nông nghiệp, giao thông và thương mại. Yamaha Motors (Nhật Bản) cũng như DJI đã phát triển drone cho việc phun nước, tưới thuốc trừ sâu, và ước tính lĩnh vực này chiếm tới 80% thị trường UAV thương mại ở Mỹ. Việc chụp ảnh bằng flycam thay vì giải trí đơn thuần cũng là lựa chọn của các công ty phát triển bất động sản trong việc quan sát đất đai để quy hoạch.
Một thay đổi thú vị nữa đang chờ đợi drone là dịch vụ hàng hóa. Những công ty thương mại trực tuyến như Amazon hay Alibaba đã thử nghiệm giao hàng bằng drone thay vì sử dụng các máy bay vận tải loại nhỏ. Đây là cách tuyệt vời để giảm thiểu chi phí, nhưng tất nhiên phải đợi drone phát triển nhiều hơn nữa ở khả năng tự bay và tự định vị. Một chiếc UAV nếu tự vận hành chính xác sẽ thay đổi cả nền thương mại trực tuyến tương tự như những chiếc xe hơi không người lái (self-driving cars) có thể thay thế tài xế taxi trong tương lai gần.
Hãng tư vấn PricewaterhouseCoopers trong một báo cáo gần đây dự báo tới năm 2020, thị trường drone thương mại sẽ cán mốc 127 tỷ USD. Vấn đề có thể cản trở công nghệ này giờ đây chỉ còn là tính pháp lý, khi luật pháp ở nhiều nước vẫn chưa ứng phó kịp với sự phát triển này.
Bình Luận:
0 bình luận: