Chưa nói tới vấn đề Robot có hủy diệt con người hay không , trước mắt , nền kinh tế toàn cầu hoàn toàn có thể bị ảnh hưởng . Với hệ thống robot vừa hiện đại , kết hợp AI vô cùng thông minh , thì hàng trăm triệu lao động trên toàn thế giới đang đứng trước nguy cơ bị mất việc hàng loạt . Vì giờ đây , những công việc đó đã có lực lượng robot thay thế
Ở Việt Nam cũng không ngoại lệ , những con số thống kê dưới đây sẽ gây ngạc nhiên cho rất nhiều người Việt Nam
Trong thế giới của robot
Trong xu thế toàn cầu, các tập đoàn đa quốc gia như DHL, CIG, Tesla, Best Buy, Walmart... đã thực hiện các kế hoạch cắt giảm nhân sự và thay thế bằng robot. Chẳng hạn, đối mặt với việc chi phí sản xuất gia tăng tại châu Á khi lực lượng lao động tại đây đã lên đến 1 triệu nhân công, Adidas đã khai trương nhà máy Speedfactory tại Đức hoàn toàn điều khiển bằng robot. Nhà máy này là thử nghiệm để thay thế các nhà máy cũ đang vận hành bằng hàng chục ngàn nhân công tại các nước gia công thứ ba. Một nhà máy Speedfactory sẽ chỉ gồm 160 nhân công, đa phần là kỹ sư để điều khiển và kiểm soát hoạt động của robot.
Trong kỷ nguyên robot, nghiên cứu mới nhất của PwC thậm chí còn dự báo đến năm 2030, có tới 38% lao động tại Mỹ sẽ bị mất việc bởi sự thay thế của robot. Báo cáo nghiên cứu này còn đưa ra được các con số thống kê cho rằng nhiều quốc gia chứng kiến lao động bị mất việc như Anh (30%), Đức (35%), Nhật (21%)...
Nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) dự báo, trong 2 thập niên tới, khoảng 56% số lao động tại 5 quốc gia Đông Nam Á có nguy cơ mất việc vì robot, đặc biệt là ngành may mặc với tỉ lệ lên đến 86%. Còn theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, đến năm 2021, sẽ có 7,2 triệu lao động dư thừa trên toàn cầu, chủ yếu trong các lĩnh vực quản lý và quản trị, đặc biệt là trong ngành y tế. Trong khi đó, sẽ chỉ có 2,1 triệu việc làm mới được tạo ra, chủ yếu trong các lĩnh vực chuyên môn cao như tin học, toán học, kiến trúc, kỹ thuật... Do đó, số người bị mất việc sẽ lớn hơn rất nhiều. Viễn cảnh đó rất rõ nét khi Amazon cũng đã giới thiệu ý tưởng cửa hàng không có nhân viên thu ngân, sử dụng các cảm biến và trí thông minh nhân tạo để biết rõ khách hàng lấy món đồ gì.
Cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4 đang thay đổi điều kiện tiên quyết tạo lợi thế cạnh tranh của các nước đang phát triển như Việt Nam. Cạnh tranh của Việt Nam từ năm 2020 trở đi không phải với Trung Quốc, Bangladesh, Malaysia, Ấn Độ hay Mexico mà là với những công ty tự động hóa của Mỹ, Nhật. Do đó, Việt Nam có đổi mới được mô hình tăng trưởng thích ứng được với môi trường cạnh tranh mới và tăng năng suất là yếu tố cạnh tranh sống còn của nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Xu thế này buộc nhiều công ty phải đầu tư cho tự động hóa và robot trong các dây chuyền sản xuất.
Còn việc nào cho con người?
Thực tế, ở nhiều công ty sản xuất mỹ nghệ ở Bình Dương, 90% công nhân đã phải nghỉ việc. Bởi nhiều dây chuyền chỉ cần vỏn vẹn 5 robot là đã thay thế được hơn 100 công nhân ở khâu tạo hình sản phẩm. Trung bình cứ mỗi tiếng, 1 robot được lập trình cho ra 500 sản phẩm, với độ chính xác lên tới từng milimet. Đặc biệt, robot không bị ảnh hưởng bởi tâm lý như con người nên năng suất làm việc có thể kiểm soát được.
Một số công ty chế biến thủy sản ở Cần Thơ cũng đầu tư cho dây chuyền tự động hóa cao. Trên các băng chuyền, những con tôm được đưa qua những “con mắt lazer” và được đánh bật ra khỏi đường băng để phân loại theo kích cỡ đúng quy định. Dây chuyền phân cỡ có thể xử lý hàng chục tấn tôm mỗi ngày với độ chính xác cao. Công việc này trước đó cần hàng trăm công nhân làm trong rất nhiều thời gian nhưng độ chính xác lại thấp. Hiện đại hơn, nhà máy sữa Mega được Vinamilk đầu tư 2.400 tỉ đồng tự động hóa vào khâu sản xuất từ chiết rót, tiệt trùng đến đóng gói, đóng thùng và chất lên pallet. Vận chuyển nguyên liệu và thành phẩm, nhập kho và xuất hàng đều là việc của robot tự hành.
Trong khi đó, thị trường lao động Việt Nam vẫn còn đang chật vật với bài toán giải quyết việc làm cho các cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Mới đây, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng đang xây dựng dự thảo về đề án đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025. Mục tiêu sẽ đưa hơn 54.000 lao động tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp chưa tìm được việc có nhu cầu đi làm tại Nhật, Hàn Quốc và Đức.
Đây cũng có thể được xem là một động thái tích cực, mở rộng đầu ra trong việc giải quyết việc làm cho lao động thất nghiệp. Tuy nhiên, cùng với xu hướng “robot hóa” đang dần thao túng ngành sản xuất. Chính các nước sở tại cũng đang đối mặt với tình trạng lao động bằng sức người bị đào thải thì người lao động Việt Nam sang các quốc gia này cũng bị cạnh tranh khốc liệt. Bên cạnh đó, vấn đề được đặt ra là trình độ ngoại ngữ và chuyên môn nghề phải đáp ứng được yêu cầu của nước sở tại.
Đã có nhiều hội thảo hướng nghiệp đưa nội dung “Học ngành gì để không bị robot thay thế”. Nội dung này cho thấy, viễn cảnh robot thay thế lao động số lượng lớn ở Việt Nam cũng không xa. Nhất là trong bối cảnh Internet of Things và trí tuệ nhân tạo phát triển mạnh, ứng dụng tự động được doanh nghiệp triển khai rộng khắp...
Nếu vậy, câu hỏi tiếp theo sẽ là “còn ngành nghề nào dành cho lao động tay chân với giá thấp?”. Hỏi câu hỏi này cũng là để khẳng định: xu hướng tự động hóa là không thể cưỡng lại. Để tránh bị tụt hậu trong xu thế này, cần có giải pháp kịp thời về giáo dục, đào tạo, phát triển các mô hình mới... Vì rõ ràng, máy móc là để phục vụ con người chứ không lấy đi cơ hội làm việc của người lao động.
Bình Luận:
0 bình luận: